Luận án của nghiên cứu sinh Hoàng Thị Thu Trang
- Tên đề tài luận án: Nghiên cứu năng lực lãnh đạo của nhà quản lý cấp cao tại các khách sạn 3-5 sao trên địa bàn Hà Nội.
- Chuyên ngành: Kinh doanh thương mại
- Mã số: 934.01.21
- Họ tên NCS: Hoàng Thị Thu Trang Mã NCS: 15A D0121004
- Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS. TS. Nguyễn Thị Nguyên Hồng
Hướng dẫn 2: PGS. TS. Nguyễn Viết Thái
- Những đóng góp mới của luận án:
6.1 Những đóng góp mới về học thuật, lý luận:
Luận án bổ sung và hoàn thiện khung nghiên cứu về năng lực lãnh đạo của nhà quản lý cấp cao tại khách sạn 3-5 sao dưới góc độ tiếp cận dựa trên mô hình Be – Know – Do (Campell và Dardis, 2004). Luận án đã làm rõ các khái niệm liên quan đến nội dung nghiên cứu như nguồn nhân lực trong khách sạn, nhà quản lý (NQL) cấp cao khách sạn, năng lực, năng lực quản lý và năng lực lãnh đạo của NQL cấp cao trong khách sạn. Căn cứ vào tổng quan nghiên cứu, khoảng trống nghiên cứu được xác lập, luận án đã xác định khung nghiên cứu về năng lực lãnh đạo của NQL cấp cao khách sạn gồm ba thành tố: tố chất lãnh đạo, kiến thức lãnh đạo và hành động lãnh đạo.
Điểm mới về khung lý luận của luận án là dựa trên mô hình BKD đã được khảo cứu ở Việt Nam, NCS đã bổ sung và thay đổi các thành phần thuộc các yếu tố cấu thành năng lực lãnh đạo cho phù hợp với NQL cấp cao tại khách sạn 3-5 sao thông qua tổng quan nghiên cứu. So với mô hình BKD đã được khảo cứu, luận án đã điều chỉnh và bổ sung một số thành phần mới đưa vào mô hình nghiên cứu năng lực lãnh đạo NQL cấp cao khách sạn gồm: 02 thành phần thuộc tố chất lãnh đạo (thích ứng và nhạy cảm), 01 thành phần của kiến thức lãnh đạo – kiến thức chuyên môn về khách sạn và 01 thành phần của hành động lãnh đạo – định hướng chiến lược cho khách sạn. Khung lý luận hiệu chỉnh về các yếu tố cấu thành năng lực lãnh đạo của NQL cấp cao qua nghiên cứu thực nghiệm được đánh giá là phù hợp với lĩnh vực khách sạn.
6.2 Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Đóng góp mới về thực tiễn là luận án đã kiểm định mô hình yếu tố cấu thành năng lực lãnh đạo của NQL cấp cao tại khách sạn và đánh giá sự khác biệt về các yếu tố cấu thành năng lực lãnh đạo của NQL cấp cao tại các khách sạn trên địa bàn Hà Nội. Luận án không xem mối tương quan hồi quy năng lực lãnh đạo của NQL cấp cao với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như các nghiên cứu trước đó. Cụ thể: Luận án đã đánh giá chung về tình hình nhân sự quản lý cấp cao tại các khách sạn 3-5 sao trên địa bàn Hà Nội, kiểm định và xác định được sự phù hợp áp dụng khung nghiên cứu về năng lực lãnh đạo của NQL cấp cao tại các khách sạn 3-5 sao trên địa bàn Hà Nội (trong đó có hai thành phần thuộc hành động lãnh đạo là phát triển nhân viên và truyền nhiệt huyết cho nhân viên gộp thành một thành phần qua phân tích dữ liệu), so sánh và làm rõ sự khác biệt về các yếu tố cấu thành năng lực lãnh đạo của NQL cấp cao tại các khách sạn theo hạng sao, theo hình thức quản lý (chuỗi/độc lập), qua tự đánh giá của NQL cấp cao và các NQL cấp dưới, nhân viên đánh giá. Từ kết quả nghiên cứu thực trạng, NCS đã xác định được một số vấn đề về thực trạng năng lực lãnh đạo của NQL cấp cao khách sạn 3-5 sao trên địa bàn Hà Nội.
– Kết luận về các giả thuyết đặt ra:
+ Giả thuyết H1: Có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa các yếu tố cấu thành năng lực lãnh đạo (BE, K, DO) của NQL cấp cao tại các khách sạn được xếp hạng 3 sao, 4 sao và 5 sao trên địa bàn Hà Nội.
+ Giả thuyết H2: Có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê về các yếu cấu thành năng lực lãnh đạo (BE, K, DO) của NQL cấp cao tại các khách sạn quản lý theo chuỗi và các khách sạn vận hành độc lập xếp hạng 3-5 sao trên địa bàn Hà Nội
+ Giả thuyết H3: Có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê về các yếu cấu thành năng lực lãnh đạo (BE, K, DO) của nhà quản lý cấp cao tại các khách sạn 3,4,5 sao trên địa bàn Hà Nội do NQL cấp cao tự đánh giá và qua đánh giá của các đối tượng khác
– Luận án đã kết luận được một số hạn chế về thực trạng năng lực lãnh đạo của NQL cấp cao tại các khách sạn trên địa bàn Hà Nội. Các hạn chế này có nguyên nhân xuất phát từ bối cảnh chung của lĩnh vực khách sạn, công tác quản lý nguồn nhân lực các khách sạn 3-5 sao trên địa bàn Hà Nội và bản thân các NQL cấp cao tại khách sạn.
6.3 Đề xuất mới về giải pháp:
Luận án đã đề xuất được những gợi ý giải pháp để năng cao năng lực lãnh đạo cho NQL cấp cao khách sạn 3-5 sao trên địa bàn Hà Nội gồm những giải pháp hướng tới bản thân NQL cấp cao tại khách sạn 3-5 sao hiện nay và những giải pháp từ phía khách sạn. Cụ thể: Một số giải pháp đối với cá nhân NQL cấp cao tại các khách sạn (tập trung vào nhóm khách sạn 3 sao vận hành độc lập); Sử dụng phương pháp đánh giá đa chiều để nâng cao nhận thức của NQL cấp cao về bản thân; Tuyển chọn NQL cấp cao cho khách sạn 3-5 sao từ thị trường lao động trong và ngoài nước; Tạo nguồn NQL cấp cao cho khách sạn từ nguồn nội bộ khách sạn.