Luận án của nghiên cứu sinh Lê Thanh Huyền
- Tên đề tài luận án: Nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng
- Mã số: 9.34.02.01
- Họ tên NCS: Lê Thanh Huyền
- Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS,TS. Lê Thị Kim Nhung
Hướng dẫn 2: TS. Nguyễn Thế Hùng
- Những đóng góp mới của luận án:
– Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Bổ sung và làm rõ khung lý thuyết về hiệu quả kinh doanh (HQKD) của doanh nghiệp (DN), hệ thống hóa các tiêu chí đánh giá HQKD và các yếu tố tác động đến HQKD của DN ngành thực phẩm.
Liên quan đến việc lựa chọn chỉ tiêu đánh giá HQKD, bên cạnh hai chỉ số tài chính hệ số LN doanh thu và chỉ số Tobin’s Q, luận án đã sử dụng nhóm hai chỉ số mức độ sinh lời của VCSH và mức độ sinh lời của VĐT để tăng tính toàn diện của kết quả đánh giá HQKD của của DN thực phẩm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, luận án đã tiến hành đánh giá HQKD dựa trên sự so sánh với chi phí sử dụng vốn như chi phí sử dụng VCSH hay chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền để có những kết luận về HQKD của các DN.
Liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng tới HQKD của DN, ngoài các yếu tố trong nhóm môi trường bên ngoài và yếu tố bên trong, luận án đã xem xét việc đáp ứng các tiêu chuẩn ISO 22000 để đánh giá mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm của DN, và kiểm tra xem sự khác biệt về HQKD giữa DN có chứng nhận ISO 22000 và DN không có chứng chỉ này.
Về vấn đề lựa chọn dạng mô hình và các ước lượng hiệu quả, thông qua các kiểm định, yếu tố tác động và phương pháp hồi quy phù hợp được lựa chọn để có được kết quả ước lượng về sự ảnh hưởng của các yếu tố đến HQKD của DN. Luận án sử dụng phương pháp hồi quy phân vị và phân tích phân rã Oaxaca trong việc đánh giá mức độ tác động của các yếu tố đến HQKD của DN và khai thác nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong HQKD của nhóm DN đạt tiêu chuẩn ISO 22000 và các DN còn lại.
– Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Thứ nhất, kết quả phân tích cho thấy, xét về TSSL của VCSH, khoảng 50% số lượng DN được khảo sát có mức ROE tương đối tốt trong giai đoạn 2014 – 2019. Tuy nhiên, TSSL của VĐT và hệ số LN doanh thu của các DN không cao, cho thấy tồn tại những vấn đề khiến cho HQKD của DN không đạt như mong đợi. Mặc dù vậy, kết quả phân tích hệ số Tobin’s Q lại cho thấy sự đánh giá tích cực của các nhà đầu tư đối với các DN ngành thực phẩm, bằng chứng là cổ phiếu của DN được đánh giá cao hơn giá trị sổ sách. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng của ngành thực phẩm.
Thứ hai, kết quả phân tích cho thấy, có tồn tại sự khác biệt về TSSL của VĐT, hệ số LN doanh thu và tý số Tobin’s Q giữa DN đạt tiêu chuẩn ISO 22000 và các DN còn lại. Kết quả cho thấy HQKD của các DN có chứng nhận ISO 22000 tốt hơn với nhóm DN còn lại, chứng tỏ việc lựa chọn các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mang lại những ý nghĩa tích cực đối với hoạt động kinh doanh của DN ngành thực phẩm. Ngoài ra, luận án cũng đã đánh giá tác động của HQKD và mức độ sử dụng nợ trong quá khứ đến hiện tại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố nợ trong quá khứ có ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến HQKD của DN, nhưng thay vì ảnh hưởng tiêu cực, nó lại có tác động tích cực. Điều này là ngược lại với giả thuyết đặt ra ban đầu, và nó gợi mở một phương án cho các DN khi xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn
Thứ ba, nguyên nhân của sự khác biệt này đều đến từ hiệu ứng cấu trúc và có nhiều yếu tố góp phân tạo nên sự khác biệt của hai nhóm DN bao gồm: Khả năng thanh toán, Khả năng hoạt động, Quy mô DN, Thời gian kinh doanh và Chỉ số giá tiêu dùng.
– Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp…
Dựa trên kết quả phân tích thực trạng ngành thực phẩm, các DN thuộc mẫu nghiên cứu và triển vọng phát triển của ngành, luận án đã kết luận các vấn đề mà DN ngành thực phẩm đang phải đối diện, bao gồm: Quản lý chi phí và chất lượng hàng hóa đầu vào; Quy mô doanh nghiệp; Cơ cấu vốn; Lao động lành nghề; Thị trương, người tiêu dùng và vệ sinh an toàn thực phẩm; Hiệu quả quản lý hoạt động doanh nghiệp; Tự do hóa thương mại và thực thi các hiệp định FTA. Kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn là cơ sở để luận án khuyến nghị các nhóm giải pháp với DN: (i) Nhóm giải pháp kiểm soát về chi phí; (ii) Nhóm giải pháp tăng doanh thu; (iii) Nhóm giải pháp tăng hiệu quả quản lý và sử dụng nguyên vật liệu; (iv) Giải pháp xây dựng cơ cấu vốn hợp lý; (v) Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng lao động; (vi) Giải pháp sử dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng để cải thiện hiệu quả hoạt động quản lí DN. Luận án đề xuất các hàm ý chính sách với Chính phủ, Bộ tài chính và các cơ quan chức năng có nhiệm vụ kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm.