Luận án của nghiên cứu sinh Đào Thị Hương
THÔNG TIN TÓM TẮT
VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
- Tên đề tài luận án: Nghiên cứu marketing nội bộ của các doanh nghiệp ngành may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
- Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
- Mã số: 934.01.01
- Họ tên NCS: Đào Thị Hương Mã NCS: 18AD0101002
- Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS, TS Cao Tuấn Khanh
Hướng dẫn 2: PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng
- Những đóng góp mới của luận án:
– Những đóng góp mới về học thuật, lý luận:
Luận án xây dựng và kiểm định mô hình 07 thành tố marketing nội bộ tác động đến hiệu suất của nhân viên trong doanh nghiệp dựa trên nền tảng lý thuyết về marketing nội bộ hỗn hợp tác động đến hiệu suất làm việc của nhân viên. Kết quả này có ý nghĩa sâu sắc góp phần vào tài liệu nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới về sự tác động các thành tố marketing nội bộ đến hiệu suất của nhân viên trong các doanh nghiệp sản xuất (ngành may): trường hợp nghiên cứu điển hình ở quốc gia đang phát triển có sự hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay.
Thêm vào đó luận án đã chứng minh được “trình độ học vấn” và “thời gian làm việc” có tác động điều tiết mối quan hệ của thành tố marketing nội bộ tác động đến hiệu suất của nhân viên trong doanh nghiệp sản xuất. Hoàn thiện các thang đo các khái niệm thành tố marketing nội bộ trong doanh nghiệp sản xuất.
– Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn:
Luận án đã khẳng định sự tác động của 07 thành tố marketing nội bộ tác động đến hiệu suất của nhân viên trong doanh nghiệp sản xuất, trong đó “môi trường làm việc” là thành tố tác động tích cực nhất đến hiệu suất của nhân viên trong doanh nghiệp ngành may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Luận án đã giải quyết được khoảng trống nghiên cứu của những nghiên cứu trước đây: Còn ít các công trình nghiên cứu về mặt lý luận để nghiên cứu các thành tố marketing nội bộ đến hiệu suất của nhân viên, việc đo lường hay đánh giá thang đo của marketing nội bộ hỗn hợp còn hạn chế ở doanh nghiệp sản xuất.
Tác giả cũng đã xác lập mô hình thực tế marketing nội bộ của các doanh nghiệp ngành may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên qua trình bày kết quả nghiên cứu định lượng chính thức. Với cỡ mẫu nghiên cứu là 301 cùng các kỹ thuật phân tích thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy của thang đo Crobach’s Alpha, phân tích nhân tố EFA, phân tích tương quan và hồi quy đa biến, giúp tác giả khẳng định các giả thuyết nghiên cứu. Đồng thời xác định được mức độ tương quan giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc, xây dựng được phương trình hồi quy từ mô hình nghiên cứu cùng với phân tích giá trị trung bình sự khác biệt, bằng các kiểm định Independent Sample T-Test và kiểm định phương sai One-way ANOVA.
Từ kết quả nghiên cứu, luận án sẽ đóng góp một số bài báo, bài tham luận hội thảo trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu marketing nội bộ tại doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời mở ra định hướng cho các nghiên cứu khác về việc thực hiện marketing nội bộ tại nhiều ngành khác, loại hình doanh nghiệp khác nhau và bối cảnh kinh tế khác nhau. Dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu được, luận án sẽ đề xuất một số gợi ý nhằm giúp các doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện hơn về sử dụng marketing nội bộ từ đó giữ chân nhân viên trong doanh nghiệp, giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định hiệu quả hơn trong chiến lược kinh doanh tại doanh nghiệp ngành may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
– Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp:
Trên cơ sở nghiên cứu các hạn chế và nguyên nhân trong thực thi marketing nội bộ của các doanh nghiệp ngành may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luận án đã đề xuất được một số hàm ý quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp ngành may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo bao gồm: Môi trường làm việc; động lực làm việc cho nhân viên; truyền thông nội bộ; hệ thống hỗ trợ; trao quyền cho nhân viên; đào tạo nhân viên; tuyển dụng nhân viên. Đồng thời luận án đã đưa ra một số hàm ý với các cơ quan quản lý các doanh nghiệp ngành may để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi triển khai một cách đồng bộ hoạt động marketing nội bộ tại các doanh nghiệp ngành may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.