Quay trở lại danh sách
Thông tin luận án tiến sĩ

Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Anh Tú

20/10/2023

THÔNG TIN NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬN ÁN

1. Tên đề luận án tiến sĩ: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh”

2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế      

3. Họ tên NCS: Nguyễn Anh Tú      

          Mã NCS: 19B D0410 001

4. Mã số: 9.31.01.10

5. Họ tên người hướng dẫn NCS: 

Hướng dẫn 1: PGS,TS. Hà Văn Sự

Hướng dẫn 2: PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Liên

6. Những đóng góp mới của luận án

6.1. Về học thuật, lý luận

            Trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, Luận án đã kế thừa và phát triển một bước lý luận về nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của một địa phương cấp tỉnh. Luận án đã hệ thống hóa, bổ sung một số lý luận về tăng trưởng kinh tế; chất lượng tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của một địa phương cấp tỉnh. Trong đó, luận án đã làm rõ nội hàm các khái niệm: tăng trưởng kinh tế; chất lượng tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; các tiêu chí đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế; bản chất và vai trò của việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, các yêu cầu, nguyên tắc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; nội dung  và các nhân tố ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của một địa phương cấp tỉnh. Ngoài ra, luận án đã phân tích kinh nghiệm thực tiễn về nâng cao chất lượng kinh tế  của địa phương cấp tỉnh ở nước ngoài (Thành phố Bangkok, Thái Lan; Thành phố Tokyo, Nhật Bản) và trong nước (Thành phố Hải Phòng; Thành phố Đà Nẵng), từ đó rút ra bài học cũng như định hướng cho tỉnh Quảng Ninh trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

6.2. Về thực tiễn

            Trên cơ sở tổng quan về tăng trưởng kinh tế, chất lượng tăng tưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; Luận án sử dụng các phương pháp định tính và định lượng thông qua mô hình có dạng như sau: TFP = f(xnk, fdi, pci, labor_level, ratio_cn&dv, nsld, icor) để phân tích, đánh giá thực trạng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng ninh trong giai đoạn 12 năm (2011-2022). Trong đó, thực trạng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh được phân tích thông qua các nội dung cụ thể: (1) Thực trạng xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế; (2) Thực trạng xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; (3) Đánh giá định lượng tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

            Từ các nội dung phân tích thực trạng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, Luận án đã đánh giá những mặt được và hạn chế của việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn 2011-2022 đó là:

            (1)  Đối với viêc xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế: Thứ nhất, bắt đầu hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”: Huy động vốn đầu tư, tăng trưởng phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn năm 2010 trở về trước, tỷ trọng ngành công nghiệp của Quảng Ninh chiếm đến 59% cơ cấu nền kinh tế, kéo theo sự phát triển của các mỏ than, nhà máy nhiệt điện, xi măng, đóng tàu gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tuy nhiên, nhận thức được việc không thể đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV tỉnh Quảng Ninh đã nhấn mạnh “tăng trưởng kinh tế đảm bảo chỉ tiêu đề ra trên nền tảng phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh vững chắc, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch; phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường”. 

            Tuy xác lập được mô hình tăng trưởng kinh tế nhưng việc hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” còn chậm, chưa đảm bảo độ “sâu” cần thiết. Mô hình mới chỉ phát triển theo chiều rộng. Vấn đề về điều chỉnh chiến lược tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh là vấn đề điển hình đối với một địa phương như Quảng Ninh khi sự phát triển kinh tế chưa thực sự bền vững. Hiện Quảng Ninh còn đang phải đối mặt với một số thách thức lớn: xuất phát là một tỉnh công nghiệp - trong đó tập trung hầu hết các cơ sở khai thác khoáng sản, than đá, sản xuất ra sản lượng than chiếm tới trên dưới 90% sản lượng cả nước.

            (2)  Đối với xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện, xây dựng các chính sách cơ bản (chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chính sách quản lý và thu hút đầu tư phát triển kinh tế; chính sách phát triển nguồn lao động trong quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; chính sách giải quyết hài hòa tăng trưởng kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững) nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh và đạt được một số thành tựu đáng kể, cụ thể:

            Thứ nhất, cơ cấu kinh tế kinh tế tỉnh Quảng Ninh đang dịch chuyển theo mục tiêu đã đề ra: Thực hiện chính sách tái cơ cấu tại Nghị quyết số 02/NQ/TU ngày 5 ngày 2 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành các giải pháp nhằm tái cơ cấu theo chiều rộng và tái cơ cấu theo chiều sâu. Giai đoạn 2010-2022, cơ bản cơ cấu kinh tế đã dần dịch chuyển theo mục tiêu, cụ thể tỷ trọng ngành nông nghiệp, công nghiệp giảm và tỷ trọng ngành dịch vụ tăng dần (tỷ trọng tăng từ 40,8% trong giai đoạn 2010-2015 lên 45% trong giai đoạn 2015-2022). Tỷ trọng ngành công nghiệp đã giảm từ 52,3% (năm 2011) còn 48.0% (năm 2020), song song với đó là tỷ trọng ngành nông-lâm-ngư nghiệp cũng giảm từ 7.9% xuống 5.0% trong 10 năm. Ngành dịch vụ - thuế dịch vụ có chiều hướng tăng trưởng mạnh, tăng xấp xỉ 7% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn có mục tiêu chưa đạt được: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp. Đến năm 2020 có cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 3-5%; khu vực công nghiệp - xây dựng 47 - 48%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm 48 - 49%. Tuy nhiên, đại dịch COVID -19 đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế của tỉnh. Khu vực dịch vụ - du lịch chỉ chiếm tỷ trọng 44.9% trong GRDP.

            Thứ hai, quản lý và thu hút đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cho phát triển kinh tế của địa phương: Về thu hút đầu tư và sử dụng nguồn vốn: Giai đoạn 2010-2021, tỉnh Quảng Ninh đã thành công trong việc thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân, đặc biệt là việc thu hút vốn FDI. Những năm gần đây tỷ lệ vốn trong khu vực nhà nước có xu hướng giảm dần và tỷ trọng của vốn ngoài nhà nước đặc biệt là vốn FDI liên tục tăng. Những năm 2019-2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vốn khu vực FDI vẫn tăng liên tục. Về hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, giai đoạn 2011-2022, hệ số ICOR của tỉnh đã giảm từ 6,8% còn 4%, có nghĩa là lượng vốn cần để tạo ra một đơn vị sản lượng đã giảm xuống. So với giai đoạn 2001-2010, hệ số ICOR có mức giảm đột phá gần 2 lần, chứng tỏ tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách hiệu quả hơn trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư. 

            Thứ ba, Quảng Ninh đã hướng tới việc giải quyết hài hòa tăng trưởng kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững Giai đoạn 2010-2021, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều chính sách hướng đến việc tăng trưởng bền vững và đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Quảng Ninh đã tập trung xóa đói giảm nghèo ở bộ phận dân cư dân tộc thiểu số, kết nối các vùng dân tộc thiểu số khó khăn với vùng phát triển của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm. Tỉnh đã chú trọng thu hẹp khoảng cách thu nhập bằng các chính sách thu hẹp khoảng cách thu nhập theo chiều ngang (theo vùng) và theo chiều dọc (theo trình độ chuyên môn người lao động). Nhìn chung, những chỉ số cơ bản về môi trường đã được cải thiện nhưng vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết. Trong thời gian sắp tới, tỉnh Quảng Ninh cần có những biện pháp triệt để giải quyết vấn đề về môi trường, đảm bảo được tính hài hòa trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Quảng Ninh đã tập trung phát triển nguồn nhân lực, coi lao động là nhân tố chính của sự phát triển bền vững. Con người là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Sau 10 năm, quy mô lao động tỉnh Quảng Ninh tăng cả về số lượng và chất lượng, 85% lao động qua đào tạo vào năm 2020. 

6.3. Về giải pháp

            Trên cơ sở những luận cứ lý luận và thực tiễn về việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của một địa phương cấp tỉnh; những hạn chế và nguyên nhân của việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, cùng với những dự báo về xu hướng tác động đến việc phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, các quan điểm, mục tiêu và định hướng nâng cao chất lượng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới; Luận án đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2023. Cụ thể:

            (1) Các giải pháp được đề xuất theo các nội dung của việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của một địa phương cấp tỉnh:

            Giải pháp nhằm hoàn thiện và thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế: Hoàn thiện mô hình tăng trưởng kinh tế, xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nhằm nhanh chóng thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.

Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đạt được mục tiêu đã định: Với lợi thế tỉnh có nhiều tiềm năng, Quảng Ninh vẫn dựa vào những nguồn lực có sẵn mà chưa thực sự đột phá về tư duy phát triển trong việc cơ cấu nền kinh tế. Cơ cấu ở đây không chỉ đơn thuần là việc thay đổi theo chiều rộng, thu hẹp nông nghiệp và ngành công nghiệp nặng, đẩy mạnh tỷ trọng công nghiệp chế biến tinh, năng lượng sạch và dịch vụ, đặc biệt là thương mại và du lịch, mà còn phải hiểu theo chiều sâu, sát với khái niệm “nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế”.

Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh: Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt; Xây dựng tổng thể và có sự gắn kết hệ thống chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về kinh tế cấp tỉnh: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh, phát triển doanh nghiệp; Xây dựng chính quyền liêm chính, thực sự “của dân, do dân và vì dân”.

Giải pháp nhằm giải quyết hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững: Quản lý, sử dụng hiệu quả quy hoạch, đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh  khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể: giải pháp này nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế phát triển vùng, liên vùng, liên quốc gia, tạo điều kiện cho kinh tế của tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững theo đúng định hướng.

        (2) Các kiến nghị đề xuất:

        Đối với Quốc hội: Nghiên cứu để sớm sửa đổi, ban hành các Luật, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và tình hình kinh tế, chính trị của thế giới theo hướng: (1) Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh để theo kịp các nước phát triển, xác định rõ hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; (2) Khắc phục những chồng chéo, không thống nhất giữa các luật, quy định chi tiết hơn tại luật, hạn chế các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành; (3) Sắp xếp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức; (4) Xây dựng chính sách nhà ở, lao động, tiền lương để tận dụng và khai thác có hiệu quả giai đoạn dân số vàng để tạo sự phát triển bứt phá của đất nước.

        Đối với Chính phủ: Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết đánh giá hiệu quả của các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, để xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, tạo môi trường pháp lý vững chắc, cơ sở cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện. Tăng cường quản lý, thu hút đầu tư; xây dựng chiến lược thu hút đầu tư theo mục tiêu phát triển đất nước và các lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia. Xây dựng, hoàn thiện các chính sách bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp trong các quan hệ kinh tế quốc tế, đặc biệt trong các thiết chế thương mại song phương, đa phương. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế, xã hội. Chính phủ phải chỉ đạo, điều hành cơ chế vùng để phân bổ và sử dụng có hiệu quả cac nguồn lực, khắc phục tư tưởng cục bộ, địa phương và tầm nhìn ngắn hạn.

        Đối với bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác thuộc Chính phủ: các bộ, cơ quan ngang bộ là các cơ quan cấp trung ương thực hiện các chức năng quản lý nhà nước theo từng ngành, lĩnh vực như công thương, du lịch, đầu tư, nông nghiệp, lao động và thương binh xã hội, tài chính... việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế là sự phối kết hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp... Do đó, các bộ, cơ quan ngang bộ cần tiếp tục chủ động, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhanh chóng xây dựng và trình cấp có thẩm quyền cập nhật các quy hoạch ngành vào quy hoạch vùng, tỉnh để địa phương chủ động triển khai thực hiện.

        Kiến nghị đối với các địa phương: Ngày 23 tháng 11 năm 2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, do đó các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra./.