Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thúy
- Tên đề tài luận án: Kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Việt nam.
- Chuyên ngành: Kế toán
- Mã số: 9.34.03.01
- Họ tên NCS: Nguyễn Thị Thúy
- Họ tên người hướng dẫn nghiên cứu sinh:
- PGS.TS. Vũ Mạnh Chiến
- PGS.TS. Phạm Thị Thu Thủy
- Những đóng góp mới của luận án:
Những đóng góp mới về học thuật, lý luận:
Luận án đã hệ thống hoá và làm rõ cơ sở lý luận về Kế toán quản trị (KTQT) với việc đánh giá hiệu quả hoạt động (HQHĐ) của doanh nghiệp (DN) theo 4 nội dung: (1) Xác lập hệ thống chỉ số đánh giá HQHĐ (gồm các chỉ số tài chính và phi tài chính (liên quan đến các khía cạnh khách hàng, đổi mới quy trình kinh doanh nội bộ, học hỏi & phát triển, trách nhiệm của DN với cộng đồng địa phương)); (2) Thu thập dữ liệu phục vụ đánh giá HQHĐ (trong đó chỉ rõ Chủ thể thu thập dữ liệu, thời điểm thu thập dữ liệu và các cơ sở dữ liệu, thông tin thu thập); (3) Xử lý dữ liệu, phân tích thông tin về HQHĐ (Chủ thể xử lý dữ liệu; phương tiện; cách thức xử lý dữ liệu; và kỹ thuật phân tích thông tin); (4) Cung cấp thông tin về HQHĐ của DN (chỉ rõ Đối tượng, thời điểm cung cấp thông tin; phạm vi thông tin được cung cấp; và hình thức cung cấp thông tin). Đồng thời, luận án đã hệ thống hóa và xây dựng mô hình nghiên cứu lý thuyết với 10 yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của DN như quy mô DN; nhận thức của nhà quản lý cấp cao về tính hữu ích của KTQT trong việc đánh giá HQHĐ; cam kết của nhà quản lý cấp cao; văn hóa DN; chiến lược kinh doanh; trình độ nhân viên kế toán; hệ thống CNTT; mức độ cạnh tranh của môi trường; nguồn lực khách hàng; và các kỹ thuật sản xuất tiên tiến.
Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn:
Luận án đã phản ánh được thực trạng KTQT với việc việc đánh giá HQHĐ của các DN lữ hành Việt nam theo 4 nội dung: (1) Xác lập hệ thống chỉ số đánh giá HQHĐ (Hệ thống chỉ số đánh giá đang được sử dụng tại các DN lữ hành khá phong phú, và có sự khác nhau rõ rệt giữa mức độ sử dụng các chỉ số đánh giá trong các DN lữ hành quy mô lớn và DN lữ hành quy mô vừa và nhỏ. Các DN lớn đã sử dụng nhiều chỉ số đánh giá hơn và tần suất sử dụng nhiều hơn so với các DNNVV. Trong đó, số lượng các chỉ số tài chính đang được các DN lữ hành sử dụng nhiều nhất, sau đó là các chỉ số đánh giá HQHĐ khách hàng; Hệ thống chỉ số đánh giá HQHĐ của DN đã được xây dựng dựa trên một số tiêu chí như yêu cầu thông tin của Bộ VHTTDL, nhu cầu thông tin của nhà quản lý DN và các bên liên quan bên ngoài DN, mục tiêu hoạt động, tiêu chí xét giải thưởng, …nhưng, không phải toàn bộ các DN lữ hành đều dựa trên tất cả các tiêu chí này. Do đó, hệ thống các chỉ số đánh giá đang được sử dụng vẫn còn chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt ở các DNNVV – chưa sử dụng nhiều những chỉ số có khả năng dự báo về hiệu quả tài chính trong tương lai, …); (2) Thu thập dữ liệu phục vụ đánh giá HQHĐ (Mặc dù các DN lữ hành đều đã có các “mã chương trình du lịch” và tài khoản chi tiết theo các mã chương trình, tuy nhiên, cách thiết lập vẫn chưa thực sự khoa học và thuận tiện cho việc khai thác dữ liệu một cách có hệ thống; Bên cạnh đó, phần lớn phần mềm kế toán sử dụng trong các DN lữ hành Việt nam hiện nay chỉ phục vụ cho công tác kế toán tài chính, phục vụ khai thác dữ liệu để tính toán các chỉ số tài chính là chủ yếu. Việc thu thập các dữ liệu, thông tin phục vụ cho đánh giá HQHĐ trên các khía cạnh phi tài chính còn đang thực hiện chủ yếu theo phương pháp thủ công (ở các DNNVV) nên khá mất thời gian và chưa đảm bảo chất lượng thông tin, số liệu dễ bị bóp méo, khó kiểm soát;…); (3) Xử lý dữ liệu, phân tích thông tin về HQHĐ (phần lớn DNNVV đang xử lý dữ liệu phục vụ đánh giá HQHĐ trên công cụ Excel, dẫn đến dữ liệu chưa được lưu trữ một cách có hệ thống, độ an toàn và tính bảo mật không cao; Mặc dù các DN lữ hành đã sử dụng phương pháp so sánh để đánh giá HQHĐ: Dựa trên biến động tăng/giảm năm N so với năm N-1 hoặc so với mục tiêu đặt ra để kết luận là DN hoạt động có hiệu quả hay chưa hiệu quả; Tuy nhiên, cách làm này chưa hoàn toàn chính xác và chưa thể hiện được xu hướng biến động của đối tượng phân tích; Ngoài ra, mới chỉ có rất ít DN sử dụng phương pháp đồ thị để phân tích thông tin của một số chỉ tiêu cơ bản, chưa phân tích kỹ lưỡng số liệu nhiều kỳ để dự báo xu hướng tương lai); (4) Cung cấp thông tin về HQHĐ của DN (việc cung cấp thông tin về HQHĐ trong các DN lữ hành còn được thực hiện khá sơ sài cả về nội dung và hình thức). Đồng thời, kết quả nghiên cứu của luận án đã phát hiện 07 yếu tố có ảnh hưởng cùng chiều theo mức độ từ mạnh đến yếu của các yếu tố (quy mô DN; nhận thức của nhà quản lý cấp cao về tính hữu ích của việc thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ; cam kết của nhà quản lý cấp cao; trình độ nhân viên kế toán; văn hóa DN; hệ thống CNTT và chiến lược kinh doanh) đến thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của các DN lữ hành Việt nam; yếu tố “môi trường kinh doanh” không có tác động đến mối quan hệ này.
Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp:
Luận án đã đưa ra được 04 giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của các DN lữ hành Việt Nam, bao gồm: (1) Đề xuất 02 bảng hệ thống chỉ số đánh giá cho 02 nhóm DN quy mô khác nhau làm cơ sở cho các DN vận dụng phù hợp với DN mình; (2) Giải pháp hoàn thiện việc thu thập dữ liệu, thông tin phục vụ cho đánh giá HQHĐ; (3) Các phương pháp/kỹ thuật có thể sử dụng để xử lý dữ liệu, phân tích thông tin HQHĐ; (4) Giải pháp hoàn thiện việc cung cấp thông tin về HQHĐ của DN. Đồng thời, dựa trên mức độ tác động của 7 yếu tố nêu trên, luận án đã đề xuất 7 khuyến nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của các DN lữ hành Việt Nam, như: Học hỏi cách thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của các DN quy mô lớn; nâng cao nhận thức của các nhà quản lý về tính hữu ích của việc thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ; nhà quản lý cấp cao của DN lữ hành cần có cam kết rõ ràng trong việc thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ; nâng cao trình độ của nhân viên KTQT; xây dựng văn hóa DN vững mạnh; đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho việc đánh giá HQHĐ; xác định chiến lược kinh doanh rõ ràng cho từng thời kỳ.
Ngoài ra, luận án cũng đề xuất một số kiến nghị đối với các cơ quan chức năng của Nhà nước (như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt nam) và phía các DN lữ hành Việt nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao tính hiệu quả của việc thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của các DN lữ hành Việt Nam.