Luận án của nghiên cứu sinh Tạ Thị Ngọc Bích
THÔNG TIN NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬN ÁN
1. Tên đề tài luận án: Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam
2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế Mã số: 9310110
3. Họ và tên nghiên cứu sinh: Tạ Thị Ngọc Bích
4. Họ và tên cán bộ hướng dẫn khoa học: GS,TS. Phạm Vũ Luận
TS. Nguyễn Thị Liên
5. Những điểm mới của Luận án:
5.1. Về lý luận
Thứ nhất, xác lập khái niệm chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khái quát hóa khung lý thuyết nghiên cứu về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn bao gồm hoạch định chính sách, thực hiện chính sách và đánh giá chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam làm cơ sở cho nghiên cứu về thực trạng và các giải pháp hoàn thiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam.
Thứ hai, luận án đã tổng hợp, tìm ra các bài học kinh nghiệm về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm chính sách đào tạo nghề của nước ngoài và của một số địa phương trong nước.
Thứ ba, luận án nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm: Nhân tố về nhận thức của xã hội; Nhân tố về hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Nhân tố liên quan đến bản thân chính sách; Nhân tố về nguồn lực tài chính để xây dựng, thực thi chính sách; Nhân tố về phát triển hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; Nhân tố về trình độ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; Nhân tố về hoàn cảnh kinh tế - xã hội của người lao động.
5.2. Về thực tiễn
Thứ nhất, qua nghiên cứu, luận án nêu bật được những mặt còn tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam như: công tác lập kế hoạch, công tác tổ chức bộ máy và phân công thực hiện chính sách, công tác vận động tuyên truyền chính sách, nguồn lực tài chính, công tác kiểm tra, giám sát. Tìm ra những nguyên nhân của tồn tại hạn chế làm cơ sở cho việc hoàn thiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Hà Nam.
Thứ hai, trên cơ sở làm rõ các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu và thực trạng chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam, luận án đưa ra các nhóm giải pháp để hoàn thiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam bao gồm: hoàn thiện nội dung chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam; nâng cao nhận thức xã hội; nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam; đảm bảo kinh phí; kiện toàn, nâng cao vai trò của các cơ sở đào tạo nghề; huy động nguồn lực xã hội tham gia, đặc biệt nêu cao vai trò của doanh nghiệp (người sử dụng lao động) và người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam.
Thứ ba, luận án có những kiến nghị mang tính khả thi đối với Chính phủ, các bộ ngành trung ương, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và bản thân người lao động – người học nghề để góp phần hoàn thiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam.