Luận án của nghiên cứu sinh Trần Thu Thủy
1. Tên luận án: “Hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Hà Tĩnh”.
2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế
3. Mã số: 62.34.04.10
4. Họ tên NCS: Trần Thu Thủy
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS.TS. Bùi Xuân Nhàn
Hướng dẫn 2: TS. Phạm Xuân Hậu
6. Những kết luận mới của luận án:
– Luận án đã vận dụng lý thuyết về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh để làm rõ các vấn đề lý thuyết cơ bản của môi trường kinh doanh địa phương, năng lực cạnh tranh địa phương/cấp tỉnh và xây dựng mô hình phân tích thực trạng môi trường kinh doanh địa phương với việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bộ tiêu chí các yếu tố môi trường kinh doanh địa phương tác động đến năng lực cạnh tranh địa phương bao gồm 22 tiêu chí trên các khía cạnh khác nhau, là các tiêu chí phản ánh cơ bản nhất các yếu tố thuộc môi trường kinh doanh dưới giác độ nghiên cứu quản lý kinh tế có tác động đến năng lực cạnh tranh của một địa phương, điều này hàm nghĩa có sự kết nối nhiều nhất với chỉ số PCI. Môi trường kinh tế xem xét tiêu chí vốn kinh doanh (tiếp cận vốn, chi phí vay vốn) và thông tin kinh doanh; Môi trường pháp lý, thể chế xem xét các tiêu chí: tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính địa phương, phân biệt của chính quyền tỉnh với các doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn lực của tỉnh, sự nhũng nhiễu của cán bộ thuế địa phương, điều hành vĩ mô của chính quyền tỉnh, thời gian hoàn thành thủ tục chính thức gia nhập thị trường và thời gian thanh, kiểm tra doanh nghiệp; Môi trường văn hóa, xã hội bao gồm các tiêu chí là chính sách phát triển chất lượng lao động địa phương, chính sách thu hút lao động của tỉnh và cơ chế thúc đẩy nâng cao vai trò của các hiệp, hội DN tại địa phương; Môi trường khoa học công nghệ bao gồm tiêu chí dịch vụ khoa học và công nghệ ở địa phương, chính sách phát triển khoa học công nghệ, hệ thống các cơ quan nghiên cứu và triển khai công nghệ tại địa phương và sự hợp tác với doanh nghiệp; Môi trường tự nhiên, yếu tố kết cấu hạ tầng xem xét các tiêu chí về điện, nước sạch và quản lý xử lý chất thải và vệ sinh môi trường tại địa phương; Độ mở và khả năng liên kết, hội nhập xem xét tiêu chí độ mở cửa của tỉnh (hỗ trợ thương mại của tỉnh, chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài) và khả năng hội nhập của tỉnh. Bên cạnh đó, luận án đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số tỉnh trong nước về cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ đó rút ra một số bài học cho địa phương Hà Tĩnh
– Bằng các dữ liệu thứ cấp, đặc biệt là các kết quả điều tra, trên cơ sở vận dụng kết quả chỉ số PCI của VCCI, luận án đã tập trung tổng hợp, phân tích, đánh giá về thực trạng môi trường kinh doanh địa phương Hà Tĩnh tác động đến năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2005-2015. Đồng thời phân tích mô hình đánh giá tác động của môi trường kinh doanh địa phương đến năng lực cạnh tranh của tỉnh. Từ những phân tích nêu trên, luận án đã đánh giá những thành công và nguyên nhân, những hạn chế và nguyên nhân về môi trường kinh doanh tỉnh Hà Tĩnh với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Cụ thể, mặc dù đạt được một số thành công trong thời gian qua song thực trạng môi trường kinh doanh tỉnh Hà Tĩnh với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: nền kinh tế chưa phát huy tối đa năng lực sản xuất, lợi thế hiện có, còn nhiều vấn đề bất cập cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư; hạn chế về môi trường khởi sự kinh doanh; tình trạng tham nhũng, các chi phí không chính thức còn tồn tại phổ biến đối với hoạt động kinh doanh, nhiều hạn chế trong việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh, thị trường tại địa phương còn hạn chế ở việc cung cấp nguồn đầu vào và sức mua đầu ra, các thông tin thị trường kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu kinh doanh; hạn chế của các môi trường thành phần khác trong môi trường kinh doanh của tỉnh. Những hạn chế nêu trên xét về nguyên nhân chủ quan bao gồm: thể chế kinh doanh trong tỉnh chưa thực sự tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh; do trình độ, thái độ làm việc của cán bộ, công chức tỉnh; chính quyền tỉnh chưa thực sự chủ động trong điều hành vĩ mô nền kinh tế địa phương; chính quyền tỉnh chưa tạo lập được các điều kiện thuận lợi nhất cho việc khởi sự kinh doanh tại địa phương; tình trạng tồn tại các chi phí không chính thức đối với hoạt động kinh doanh xuất phát từ nhiều yếu tố: hệ thống pháp luật, môi trường cạnh tranh, sự chi phối hành chính của chính quyền địa phương…; cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả; tỉnh chưa có chính sách cải thiện được đồng bộ môi trường kinh doanh địa phương trong điều kiện hội nhập.
– Luận án đề xuất một số giải pháp có cơ sở và khả thi hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 như: Hoàn thiện thể chế kinh doanh trong tỉnh; Nâng cao hiệu quả điều hành vĩ mô của chính quyền tỉnh, phát huy vai trò lãnh đạo các cấp, ngành trong tỉnh; Cải thiện các điều kiện liên quan đến gia nhập thị trường của doanh nghiệp, tạo môi trường khởi nghiệp cho doanh nghiệp; Giải quyết vấn đề chi phí không chính thức đối với hoạt động kinh doanh; Nâng cao hiệu quả các dịch vụ tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp; Hỗ trợ hiệu quả mở rộng thị trường, thông tin thị trường kinh doanh cho doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; Đẩy mạnh phát triển công nghệ tại địa phương; Đầu tư, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Các giải pháp hội nhập, liên kết… Đồng thời có một số khuyến nghị với Nhà nước và các bộ, ban, ngành Trung ương và cơ quan liên quan về hoàn thiện môi trường kinh doanh quốc gia, hoàn thiện đánh giá năng lực cạnh tranh địa phương/cấp tỉnh.