Luận án của nghiên cứu sinh Lê Thị Tú Anh
THÔNG TIN TÓM TẮT
VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
1. Tên đề tài luận án:
Nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến sự gắn bó của người lao động với tổ chức tại các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố Hà Nội
2. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
3. Mã số: 9340101
4. Họ tên NCS: Lê Thị Tú Anh Mã NCS: 19AD0101001
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS, TS. Bùi Hữu Đức
Hướng dẫn 2: PGS, TS. Nguyễn Hoàng
6. Những đóng góp mới của luận án:
Với những kết quả nghiên cứu đạt được, luận án đã có một số đóng góp quan trọng cả về lý luận, thực tiễn và các giải pháp.
v Những đóng góp mới về lý luận
Thứ nhất, xuất phát từ tổng quan các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, luận án khái quát được những bước tiến quan trọng trong dòng chảy nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp và sự gắn bó của người lao động, từ đó nắm bắt sự khác biệt trong xu hướng nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp tới sự gắn bó của người lao động với tổ chức của các học giả trong và ngoài nước. Tiếp đó, việc hệ thống hóa cơ sở lý luận về ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến sự gắn bó của người lao động cung cấp căn cứ vững chắc để khám phá chi tiết hơn cách thức văn hóa doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới nhận thức, thái độ, hành vi và cụ thể hơn là sự gắn bó của người lao động.
Thứ hai, dựa trên sự kế thừa có chọn lọc và điều chỉnh các kết quả nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế, luận án đề xuất khung nghiên cứu lý thuyết và bộ thang đo phù hợp để đánh giá ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến sự gắn bó của người lao động với tổ chức tại các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ thang đo phản ánh được: (1) các khía cạnh văn hóa doanh nghiệp phù hợp với đặc thù kinh doanh của lĩnh vực lữ hành: Khuyến khích đổi mới sáng tạo, Chú trọng tới kết quả, Trách nhiệm xã hội, Đãi ngộ công bằng, Phát triển nhân viên, Đề cao khách hàng, Khuyến khích làm việc nhóm, Chú trọng quy cách, Đề cao sự chính trực; (2) hai khía cạnh sự gắn bó của người lao động có mối liên hệ tích cực với nhau: Sự gắn bó với công việc và Sự gắn bó với tổ chức. Việc phân biệt và nghiên cứu đồng thời hai khía cạnh này cho phép so sánh sự khác nhau trong ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp tới từng khía cạnh gắn bó của người lao động. Độ tin cậy của bộ thang đo được kiểm chứng thông qua kết quả nghiên cứu, cho phép vận dụng thang đo này trong các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội và mở rộng cho các tỉnh thành khác trong nước hoặc tại các khu vực có những đặc điểm tương đồng.
Thứ ba, kết quả nghiên cứu làm rõ ảnh hưởng khác nhau của từng khía cạnh văn hóa doanh nghiệp đến hai khía cạnh sự gắn bó của người lao động, từ đó, cung cấp thêm bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến sự gắn bó của người lao động tại các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ngoài ra, luận án còn đưa ra gợi ý về cách tiếp cận nghiên cứu văn hóa doanh nghiệp trong mối quan hệ với các yếu tố kết quả của tổ chức, theo đó, văn hóa doanh nghiệp cần được nhìn nhận ở góc độ toàn diện, đa chiều, như tiền đề quan trọng đối với sự gắn bó của người lao động nói riêng và các kết quả của tổ chức nói chung thay vì chỉ coi văn hóa doanh nghiệp là một trong các yếu tố góp phần thay đổi kết quả đó.
v Những đóng góp mới về thực tiễn
Bên cạnh những đóng góp về mặt khoa học, luận án đem đến bức tranh chi tiết hơn về ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến sự gắn bó của người lao động với tổ chức tại các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Thứ nhất, luận án giúp các nhà quản trị doanh nghiệp lữ hành nhận thức một cách đầy đủ về văn hóa doanh nghiệp, không chỉ là một nguồn lực tạo ra lợi thế cạnh tranh, mà hơn thế nữa là một công cụ quản trị, một phương thức tác động trực tiếp và hiệu quả tới thái độ và hành vi của người lao động, khiến họ gắn bó chặt chẽ và lâu dài với tổ chức. Đặc biệt là trong bối cảnh lĩnh vực lữ hành tại Việt Nam đang phải đẩy nhanh tốc độ phục hồi sau đại dịch Covid-19, việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp sẽ khiến người lao động trở nên gắn bó hơn, từ đó đem lại hiệu quả làm việc tốt hơn và góp phần duy trì nguồn nhân lực bền vững cho doanh nghiệp.
Thứ hai, luận án phác họa được những nét đặc trưng trong văn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những khía cạnh văn hóa như Khuyến khích đổi mới sáng tạo, Phát triển nhân viên, Chú trọng quy cách, Trách nhiệm xã hội đều vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp lữ hành, ngay cả trong bối cảnh hậu đại dịch. Kết quả khảo sát diện rộng cũng cung cấp một góc nhìn khách quan về mức độ gắn bó của người lao động với tổ chức tại các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ đó các doanh nghiệp có thể nắm bắt được trạng thái tâm lý của người lao động để đưa ra những phản ứng kịp thời nhằm giữ chân nguồn nhân lực trong dài hạn.
Thứ ba, việc so sánh vai trò ảnh hưởng của từng khía cạnh văn hóa doanh nghiệp đến sự gắn bó của người lao động là cơ sở để đề xuất các giải pháp cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong việc tập trung nguồn lực phát triển các khía cạnh văn hóa doanh nghiệp hướng đến thúc đẩy gắn bó của người lao động với tổ chức. Thêm vào đó, việc nêu ra sự khác biệt trong đánh giá về văn hóa doanh nghiệp và sự gắn bó giữa các nhóm người lao động cho phép các doanh nghiệp có thể đưa ra các phương thức truyền thông và lan tỏa các giá trị văn hóa doanh nghiệp và củng cố mức độ gắn bó phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.
v Những đóng góp về giải pháp
Từ kết quả khảo sát diện rộng, nghiên cứu trường hợp điển hình, kết hợp với hệ thống cơ sở lý luận vững chắc cùng với những dự báo về một số thay đổi trong bối cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, luận án đã đề xuất một số giải pháp cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong việc phát triển văn hóa doanh nghiệp hướng tới thúc đẩy sự gắn bó của người lao động với tổ chức tại các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Trước hết, các khía cạnh văn hóa doanh nghiệp phân thành 3 nhóm theo mức độ ưu tiên xây dựng và phát triển: (1) nhóm các khía cạnh văn hóa có vai trò quan trọng nhất trong việc thúc đẩy sự gắn bó của người lao động với tổ chức, còn nhiều tiềm năng khai thác và cần được đẩy mạnh: Khuyến khích đổi mới sáng tạo, Trách nhiệm xã hội, Phát triển nhân viên, Chú trọng quy cách; (2) nhóm các khía cạnh văn hóa có vai trò ở mức trung bình cần được thúc đẩy trong dài hạn: Đãi ngộ công bằng, Khuyến khích làm việc nhóm, Chú trọng tới kết quả; (3) nhóm các khía cạnh văn hóa ít có ảnh hưởng nhưng vẫn cần được duy trì: Đề cao khách hàng, Đề cao sự chính trực. Căn cứ vào khả năng và nguồn lực của mỗi doanh nghiệp, các nhà quản trị có thể lựa chọn tập trung nỗ lực một cách hiệu quả vào một số hoặc toàn bộ các khía cạnh văn hóa phù hợp.
Tiếp theo, các nhà quản trị cần đưa ra những cách thức tác động khác nhau với từng nhóm đối tượng người lao động bởi tồn tại sự khác biệt trong cảm nhận về văn hóa doanh nghiệp và sự gắn bó với tổ chức của từng nhóm đối tượng này. Cụ thể, doanh nghiệp cần hướng sự chú ý nhiều hơn tới nhóm người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nhóm người lao động trẻ thuộc thế hệ Y và Z, nhóm người lao động có thâm niên làm việc ngắn hơn trong tổ chức.
Ngoài ra, luận án cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức có liên quan để kịp thời có những chính sách, chương trình hành động góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong việc phát triển văn hóa doanh nghiệp hướng tới thúc đẩy sự gắn bó của người lao động với tổ chức.