Quay trở lại danh sách
Thông tin luận án tiến sĩ

Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Tâm

18/07/2025

THÔNG TIN TÓM TẮT

VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ

 

1. Tên đề tài luận án: Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công trong khởi sự kinh doanh của phụ nữ khu vực miền Bắc”

2. Chuyên ngành:        Quản trị kinh doanh               

3. Mã số:                     934.01.01

4. Họ tên NCS: Nguyễn Thị Thanh Tâm                   Mã NCS: 21AD0101006

5. Họ tên người hướng dẫn NCS:  

  Hướng dẫn 1:  PGS, TS. Trần Văn Trang

            Hướng dẫn 2:  PGS, TS. Nguyễn Tiến Dũng

6. Những đóng góp mới của luận án:

6.1. Những đóng góp mới về học thuật, lý luận

Thứ nhất, luận án đã tổng hợp và xây dựng khung lý thuyết toàn diện hơn về thành công trong khởi sự kinh doanh của phụ nữ thông qua việc tích hợp ba nhóm yếu tố: đặc điểm cá nhân, môi trường và doanh nghiệp, trên nền tảng lý thuyết của Gartner (1985). Khác với các nghiên cứu trước đây thường chỉ khảo sát từng nhóm yếu tố riêng lẻ, luận án tiếp cận theo hướng toàn diện, từ đó xây dựng một mô hình lý thuyết tổng hợp và kiểm định bằng dữ liệu thực nghiệm tại Việt Nam.

Thứ hai, luận án đã xác lập và kiểm định thang đo về sự thành công trong khởi sự kinh doanh, điều mà chưa được thống nhất trong các nghiên cứu trước đây. Thang đo về sự thành công trong khởi sự kinh doanh của doanh nhân nữ được xác lập bao gồm các chỉ số khách quan (như đã có lãi, duy trì khả năng thanh khoản) và các chỉ số chủ quan (như đạt được các mục tiêu và kỳ vọng ban đầu, giúp phát triển và hoàn thiện bản thân).

Thứ ba, luận án làm dày thêm các tri thức và hiểu biết về khởi sự kinh doanh của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ có vai trò truyền thống trong văn hoá gia đình ở miền Bắc Việt Nam. Đây là nhóm khởi sự kinh doanh còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ và còn ít được khai thác trong các nghiên cứu trước đây.

6.2. Những đóng góp/kết luận mới về thực tiễn

Thứ nhất, luận án đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm đáng tin cậy dựa trên khảo sát từ 392 doanh nhân nữ trong giai đoạn khởi sự kinh doanh (5 năm đầu) tại khu vực miền Bắc. Đây là một trong số rất ít các nghiên cứu có quy mô tương đối lớn và tập trung chuyên biệt vào nhóm nữ doanh nhân khởi sự kinh doanh. Điều này khắc phục hạn chế của các nghiên cứu trước, chủ yếu khảo sát phụ nữ điều hành doanh nghiệp ổn định hoặc đã thành công.

Thứ hai, kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy đổi mới về sản phẩm, sự hỗ trợ của gia đình, các yếu tố đặc điểm cá nhân (hiệu quả bản thân và nhu cầu thành đạt) và các yếu tố nguồn lực (vốn con người và vốn tài chính) có ảnh hưởng chính tới sự thành công trong khởi sự kinh doanh của phụ nữ. Như vậy, ngoài yếu tố đổi mới sáng tạo cần thiết cho khởi sự kinh doanh thì sự hỗ trợ của gia đình đóng vai trò quyết định tới sự thành công của nữ doanh nhân khởi sự kinh doanh.

Thứ ba, trong các yếu tố cá nhân của doanh nhân nữ thì các đặc điểm cá nhân và nguồn lực có ảnh hưởng quan trọng tới sự thành công trong khởi sự kinh doanh. Luận án chỉ ra là các yếu tố hiệu quả bản thân, nhu cầu thành đạt, vốn con người và vốn tài chính đóng vai trò quan trọng với sự thành công của phụ nữ khởi sự kinh doanh.

6.3. Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp:

Luận án đã đề xuất một số khuyến nghị mới có cơ sở khoa học và có khả năng ứng dụng trong thực tiễn để thúc đẩy khởi sự kinh doanh và sự thành công trong khởi sự kinh doanh của phụ nữ đối với các bên liên quan, cụ thể:

Với giới làm chính sách, luận án đề xuất xây dựng các chương trình hỗ trợ đổi mới sản phẩm dành riêng cho doanh nghiệp nữ, lồng ghép giới vào chính sách khởi nghiệp quốc gia và đẩy mạnh truyền thông thay đổi định kiến xã hội về nữ doanh nhân. Đồng thời, cần phát triển các chương trình tài chính vi mô, quỹ đầu tư hạt giống có điều kiện xét duyệt linh hoạt phù hợp với mô hình khởi sự kinh doanh của phụ nữ.

         Đối với các tổ chức trung gian như Hiệp hội nghề nghiệp, luận án đề xuất thiết lập các chương trình cố vấn chuyên sâu theo ngành nghề, tổ chức khóa đào tạo về tài chính, công nghệ và đổi mới sản phẩm phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp nữ. Ngoài ra, vai trò đại diện chính sách của các Hiệp hội cũng cần được tăng cường nhằm phản ánh tiếng nói của nữ doanh nhân vào quá trình xây dựng và điều chỉnh các chính sách khởi sự kinh doanh.