Luận án của nghiên cứu sinh Ninh Thị Hoàng Lan
THÔNG TIN TÓM TẮT
VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
1. Tên đề tài luận án: Đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam
2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế
3. Mã số: 931.01.10
4. Họ tên NCS: Ninh Thị Hoàng Lan Mã NCS: 17AD0410004
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS,TS. Hà Văn Sự
Hướng dẫn 2: TS. Nguyễn Hóa
6. Những đóng góp mới của luận án:
6.1. Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
- Luận án đã xây dựng được bộ tiêu chí gồm 5 nhóm để đánh giá sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học của một quốc gia, bao gồm: (i) mở rộng quy mô và khả năng tiếp cận; (ii) đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo; (iii) nâng cao năng lực nghiên cứu và sáng tạo; (iv) nâng cao hiệu quả của hệ thống (gồm hiệu quả nội bộ và hiệu quả xã hội); (v) đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học.
- Luận án đã hệ thống hóa nội dung cơ bản về đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển hệ thống giáo dục đại học của một quốc gia, gồm: xác định mức đầu tư ngân sách nhà nước; xác định kênh phân bổ ngân sách nhà nước và cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học và sinh viên, phân tích ưu - nhược điểm và điều kiện áp dụng của các cơ chế này. Trên cơ sở đó, luận án đã phân tích 4 nhóm chính sách đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học: (1) Chính sách chia sẻ chi phí; (2) Chính sách ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học; (3) Chính sách phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học; (4) Chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
- Luận án đã xây dựng khung đánh giá đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục đại học, gồm: đánh giá kết quả so với mục tiêu; đánh giá tác động của đầu tư ngân sách nhà nước; đánh giá hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước và đánh giá công bằng trong phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học.
6.2. Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Luận án sử dụng phương pháp DEA để tính toán điểm hiệu quả nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học công lập, kết hợp hồi quy Tobit để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả, trong đó nhấn mạnh tác động rõ rệt của việc giảm dần tỷ trọng ngân sách nhà nước đến suy giảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
6.3. Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp
Luận án đề xuất 5 nhóm giải pháp: (1) tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học một cách hợp lý; (2) ưu tiên đầu tư có trọng điểm cho các ngành đào tạo, vùng và các cơ sở giáo dục đại học trọng yếu; (3) đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả, kết hợp giữa phân bổ theo đầu vào và phân bổ dựa trên kết quả đầu ra; (4) xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên với phạm vi bao phủ rộng hơn và hiệu quả hơn; (5) huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục đại học.
Đồng thời, luận án đề xuất 4 nhóm điều kiện thực hiện gồm: (i) thống nhất đầu mối quản lý ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học nhằm đảm bảo phân bổ ngân sách đồng bộ và công bằng giữa các cơ sở; (ii) hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư ngân sách nhà nước và cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học; (iii) nâng cao hiệu quả vận hành của thị trường lao động và tăng cường kết nối giữa hệ thống giáo dục đại học với thị trường lao động; (iv) xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý về giáo dục đại học và thị trường lao động đầy đủ, minh bạch và kịp thời.