Luận án của nghiên cứu sinh Tô Thị Vân Anh
THÔNG TIN TÓM TẮT
VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
1. Tên đề tài luận án: Tổ chức kế toán quản trị tại các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam
2. Chuyên ngành: Kế toán
3. Mã số: 9340301
4. Họ tên NCS: Tô Thị Vân Anh Mã NCS: 17BD0301001
5. Họ tên người hướng dẫn nghiên cứu sinh: 1. PGS.TS. Lê Thị Thanh Hải
2. TS. Nguyễn Tuấn Duy
6. Những đóng góp mới của luận án
Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Luận án đã hệ thống hóa lý luận và xác lập khung lý luận về nội dung tổ chức kế toán quản trị (KTQT) trong doanh nghiệp sản xuất theo hướng tiếp cận riêng, vừa thể hiện được mối quan hệ với các chức năng quản trị vừa thể hiện được quy trình kế toán từ lập dự toán sản xuất kinh doanh, thu thập và xử lý thông tin thực hiện, phân tích và cung cấp thông tin, với 5 nội dung tổ chức KTQT được xác lập, gồm: (1) tổ chức xây dựng định mức và lập dự toán sản xuất kinh doanh; (2) tổ chức thu thập và xử lý thông tin thực hiện; (3) tổ chức phân tích thông tin KTQT (phục vụ kiểm tra/kiểm soát và đánh giá thành quả, phục vụ ra quyết định); (4) tổ chức cung cấp thông tin KTQT; (5) tổ chức nhân sự và phương tiện thực hiện KTQT. Trong từng nội dung tổ chức KTQT, luận án làm rõ hơn yếu tố con người, phương tiện thay vì chỉ tập trung vào tác nghiệp để làm nổi bật hơn nội hàm “tổ chức”. Đồng thời, luận án hệ thống hóa, phân tích, luận giải và xây dựng mô hình lý thuyết nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức KTQT tại các doanh nghiệp sản xuất.
Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Bằng việc sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, Luận án đã:
- Nghiên cứu và làm rõ nhu cầu thông tin KTQT của các nhà quản trị cũng như đánh giá của nhà quản trị về mức độ đáp ứng nhu cầu thông tin của KTQT tại các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam;
- Phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức KTQT tại các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam theo 5 nội dung tương ứng với khung lý luận được xác định. Đồng thời, luận án cũng làm rõ mức độ và chiều hướng ảnh hưởng của từng yếu tố Quan điểm của nhà quản trị, Trình độ công nghệ thông tin, Trình độ nhân sự thực hiện KTQT, Cơ cấu tổ chức DN, Đặc điểm quá trình sản xuất đến tổ chức KTQT tại các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.
Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp
Từ kết quả nghiên cứu kết hợp với định hướng phát triển ngành cơ khí và những yêu cầu trong hoàn thiện tổ chức KTQT, luận án đã đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức KTQT tại các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, bao gồm:
(1) Hoàn thiện tổ chức xây dựng định mức và lập dự toán sản xuất kinh doanh, trong đó giải pháp tập trung vào xác định các căn cứ xây dựng định mức và dự toán, nhân sự và quy trình thực hiện, tổ chức vận dụng linh hoạt các phương pháp xây dựng định mức và lập dự toán SXKD;
(2) Hoàn thiện tổ chức thu thập và xử lý thông tin thực hiện với việc nhận diện đầy đủ thông tin KTQT cần thu thập; tổ chức các bộ phận và vận dụng hợp lý, có hệ thống các phương pháp kế toán, phương pháp xác định chi phí và tính giá thành sản phẩm,… để thu thập và xử lý thông tin thực hiện;
(3) Hoàn thiện tổ chức phân tích thông tin KTQT, trong đó nội hàm “tổ chức” được làm rõ gắn với bộ phận thực hiện, cũng như việc lựa chọn và tổ chức vận dụng hợp lý các kỹ thuật phân tích phù hợp với từng loại quyết định của nhà quản trị;
(4) Hoàn thiện tổ chức cung cấp thông tin KTQT: Luận án đã đề xuất hình thức và thời gian cung cấp thông tin KTQT, đặc biệt luận án đã đề xuất các doanh nghiệp cần chú trọng thông tin phản hồi hai chiều (nhà quản trị và KTQT) để có những điều chỉnh, xử lý kịp thời thông tin, đáp ứng yêu cầu của nhà quản trị;
(5) Hoàn thiện tổ chức nhân sự và phương tiện thực hiện KTQT: Luận án xác định rõ nhân sự thực hiện KTQT không chỉ là nhân viên kế toán mà còn nhân sự của các bộ phận chức năng khác, từ đó tổ chức nhân sự (lao động) thực hiện KTQT. Đồng thời, luận án cũng đề xuất các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc cải tiến và tổ chức vận dụng có hiệu quả các phương tiện hỗ trợ công việc KTQT.
Bên cạnh đó, để tăng cường mức độ khả thi và hiệu quả của tổ chức KTQT, luận án đã chỉ ra các khuyến nghị với các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng như các điều kiện thực hiện đối với Nhà nước, các cơ quan chức năng, các hiệp hội nghề nghiệp và các trường Đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực thực hiện KTQT để KTQT thực sự trở thành kênh thông tin hữu ích cho nhà quản trị, giúp DN huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng khả năng cạnh tranh.