Luận án của nghiên cứu sinh Trần Thị Thu Trang
- Tên đề tài luận án: Quản trị tài sản ngắn hạn tại các công ty cổ phần ngành nhựa niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
- Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng
- Mã số: 9.34.02.01
- Họ tên NCS: Trần Thị Thu Trang
- Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS,TS. Lê Thị Kim Nhung
Hướng dẫn 2: TS. Nguyễn Thế Hùng
- Những đóng góp mới của luận án:
– Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Thông qua việc hệ thống hoá cơ sở lý luận, làm rõ khung lý thuyết về tài sản ngắn hạn (TSNH) và quản trị TSNH của doanh nghiệp (DN), luận án đã hệ thống hóa các chỉ tiêu đánh giá kết quả quản trị TSNH, các yếu tố tác động đến quản trị TSNH cũng như tác động của quản trị TSNH đến khả năng sinh lợi và rủi ro của doanh nghiệp.
Liên quan đến các chỉ tiêu đánh giá kết quả quản trị TSNH, bên cạnh các nhóm chỉ tiêu thông dụng như nhóm chỉ tiêu thể hiện khả năng thanh toán, khả năng hoạt động, khả năng sinh lợi, luận án đã sử dụng nhóm chỉ số tổng hợp phản ánh hiệu quả quản trị TSNH (Ui, Pi, Ei) để tăng tính toàn diện trong đánh giá kết quả quản trị TSNH của các công ty cổ phần ngành nhựa niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam.
Về các biến được lựa chọn trong mô hình nghiên cứu, để có thể đánh giá toàn diện tác động của quản trị TSNH đến khả năng sinh lợi và rủi ro của doanh nghiệp luận án không chỉ đề cập đến khả năng sinh lời trên trổng tài sản (ROA) mà các biến số khác phản ánh khả năng sinh lời như ROE, ROC và Tobin’s Q cũng được đưa vào mô hình nghiên cứu.
Về vấn đề lựa chọn dạng mô hình và các ước lượng hiệu quả, thông qua các kiểm định, yếu tố tác động và phương pháp hồi quy phù hợp được lựa chọn để có được kết quả ước lượng chính xác nhất. Thay vì sử dụng mô hình hồi quy tĩnh như trong các nghiên cứu trước đó, tác giả sử dụng kết hợp cả mô hình hồi quy tĩnh và mô hình hồi quy động trong nghiên cứu. Thêm vào đó, luận án sử dụng kết hợp phương pháp OLS, FEM, REM, S-GMM và phương pháp hồi quy phân vị trong đánh giá mức độ tác động của quản trị TSNH đến khả năng sinh lợi và rủi ro của DN.
– Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
– Kết quả thực nghiệm cho thấy với các CTCP ngành nhựa niêm yết, chu kỳ luân chuyển tiền có tác động ngược chiều trong khi dòng tiền thuần có tác động thuận chiều đến khả năng sinh lời của DN. Không chỉ thế, các DN có dòng tiền khả dụng sẽ cải thiện được khả năng sinh lợi từ việc đầu tư vào TSNH.
– Chỉ số tổng hợp phản ánh hiệu quả quản trị TSNH Ei có mối quan hệ thuận chiều có ý nghĩa thống kê với khả năng sinh lợi của DN. Như vậy, những DN có hiệu quả sử dụng các bộ phận TSNH để tạo ra doanh thu tốt thì sẽ có tỷ suất sinh lợi cao. Hay nói cách khách, việc DN sử dụng hiệu quả các bộ phận TSNH sẽ góp phần giúp cho hoạt động bán hàng, mua hàng thuận lợi, tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện cho khả năng sinh lợi của DN tăng lên.
– Chính sách đầu tư và tài trợ cho TSNH của DN càng mạo hiểm thì khả năng sinh lợi càng cao nhưng đổi lại là rủi ro mà DN phải đối mặt sẽ lớn hơn. Chính vì thế, DN cần lựa chọn chính sách đầu tư và tài trợ cho TSNH phù hợp sao cho cân bằng giữa hai mục tiêu: vừa đảm bảo khả năng sinh lợi tốt lại vừa đảm bảo rủi ro ở mức độ mà DN có thể chấp nhận được.
– Bên cạnh những thành công đạt được, các CTCP ngành nhựa niêm yết còn có một số tồn tại trong công tác quản trị TSNH như: Các CTCP ngành nhựa hiện nay xác định lượng hàng tồn kho theo phương pháp truyền thống, dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu chứ chưa áp dụng những mô hình hiện đại do đó, lượng đặt hàng trong kho thường dư thừa, đôi khi thiếu hụt cho sản xuất; DN gặp phải khó khăn khi nguồn cung cấp nguyên liệu ở nước ngoài không ổn định; Công tác quản trị khoản phải thu chỉ mới dừng lại ở việc theo dõi, đôn đốc và thu hồi công nợ chứ chưa có DN nào tiến hành tính toán, đánh giá hiệu quả của hoạt động tín dụng; Hiệu quả cụ thể về tài chính trong các quyết định lượng dự trữ ngân quỹ chưa được tính đến, công tác dự báo chưa chính xác, có lúc dư thừa và có lúc thiếu hụt.
– Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp
Kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn quản trị TSNH tại các công ty cổ phần ngành nhựa niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là cơ sở để luận án khuyến nghị các nhóm giải pháp với DN: (i) Áp dụng mô hình EOQ, POQ kết hợp với phân tích phân loại hàng ABC trong quản trị hàng tồn kho; (ii) Cải tiến công tác quản trị khoản phải thu ngắn hạn; (iii) Ứng dụng mô hình Stone trong xác định lượng tiền dự trữ tối ưu; (iv) Hoàn thiện các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản trị TSNH trong DN; (v) Lựa chọn chính sách đầu tư và tài trợ tối ưu bằng mô hình lập trình mục tiêu; (vi) Sử dụng các phần mềm quản trị hiện đại trong quản trị TSNH; (vii) Giảm thiểu rủi ro trong công tác quản trị ngân quỹ bằng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá; (viii) Hoàn thiện quản trị chuỗi cung ứng trong CTCP ngành nhựa và đề xuất các kiến nghị làm cơ sở thực hiện có hiệu quả các giải pháp.