Luận án của nghiên cứu sinh Trần Vân Anh
THÔNG TIN TÓM TẮT
VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
1. Tên đề tài luận án: Quản lý nhà nước đối với đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước ở tỉnh Thái Bình
2. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế
3. Mã số: 9310110
4. Họ tên NCS: Trần Vân Anh Mã NCS: 18AD0410001
5. Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS,TS. Hà Văn Sự
Hướng dẫn 2: TS. Nguyễn Thị Thu Hiền
6. Những đóng góp mới của luận án:
- Những đóng góp mới về học thuật, lý luận: Luận án đã phân tích và làm rõ thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ở cấp tỉnh. Trong đó, làm rõ khái niệm về đầu tư, đầu tư phát triển, đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và đặc điểm của QLNN đối với đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Luận án đã làm rõ những yêu cầu và nguyên tắc của QLNN đối với đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của một tỉnh và xác định 4 nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tỉnh, bao gồm: (i) Phân cấp Quản lý nhà nước đối với đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; (ii) Lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư phát triển; (iii) Quản lý tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển và (iv) Kiểm tra thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Trong luận án này nghiên cứu sinh đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố tác động đến hiệu quả QLNN đối với đầu tư phát triển bằng ngân sách nhà nước tỉnh Thái Bình bao gồm: (i) Cơ chế và chính sách của nhà nước; (ii) Năng lực tài chính; (iii) Năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành; (iv) Năng lực nhà thầu thi công; (v) Phương pháp và công cụ quản lý nhà nước.
- Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn: Trên cơ sở phân tích khái quát điều kiện tự nhiên, thực trạng tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình, khái quát về tình hình thu và chi ngân sách cho đầu tư phát triển ở tỉnh Thái Bình. Luận án đã phân tích đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2022, chỉ ra những thành công, đó là: Quản lý đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã đáp ứng được một số yêu cầu phát triển kinh tế; Lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư phát triển đã tập trung cho các công trình trọng điểm; Đã tổ chức thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước theo năm tài khoá trên cơ sở kết quả năm trước đạt được; Đã thực hiện phân cấp quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tương đối phù hợp với từng giai đoạn phát triển theo cơ chế thị trường; Công tác quản lý thực hiện kế hoạch vốn của tỉnh còn thủ công, chưa áp dụng triệt để các ứng dụng, phần mềm trong quản lý đầu tư công; Công tác kiểm tra việc sử dụng vốn đầu tư phát triển được tăng cường, đã phát hiện được những vấn đề tồn tại trong cơ chế quản lý; Quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đã được thực hiện theo trình tự và quy định của pháp luật; đã tăng cường sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành.
Đặc biệt, luận án đã chỉ ra 5 hạn chế cần được khắc phục, đó là: (1) Chất lượng lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước chưa cao, còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém chưa sát thực tế, không khả thi dẫn đến một số dự án không có vốn triển khai thực hiện (2) Công tác quản lý thực hiện kế hoạch vốn của tỉnh còn thủ công, chưa áp dụng triệt để các ứng dụng, phần mềm trong quản lý đầu tư công (3) Công tác quản lý tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển từ NSNN vẫn còn chậm trễ, dồn khối lượng công việc, vốn vào cuối năm gây khó khăn trong thực hiện (4) Việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan thanh tra nhà nước của tỉnh và các sở ban ngành chưa thường xuyên, diện kiểm tra còn hẹp, chưa sâu, chất lượng kiểm tra còn nhiều hạn chế; (5) Năng lực quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước đối với vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước còn bất cập về chất lượng và số lượng.
- Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp: Căn cứ quy hoạch chung xây dựng tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, nghiên cứu sinh cũng đã tổng hợp, đưa ra dự báo và chỉ ra được quan điểm cũng như mục tiêu phương hướng để có thể hoàn thiện quản lý nhà nước đối với đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tỉnh Thái Bình trong giai đoạn tới và để khắc phục những hạn chế trong quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước của tỉnh Thái Bình, có 9 nhóm giải pháp đã được đưa ra. Đó là nhóm giải pháp chung: (1) Hoàn hiện phân cấp quản lý nhà nước hoạt động đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước;(2) Hoàn thiện lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư phát triển; (3) Hoàn hiện tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước; (4) Hoàn thiện kiểm tra, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Nhóm giải pháp cụ thể:(1) Hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tỉnh Thái Bình;(2) Hoàn thiện công tác tổ chức bộ máy quản lý đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước;(3) Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành về trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức; (4) Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý ngân sách nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu về đầu tư công và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước; (5) Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Thái Bình. Trong các giải pháp này, nhóm giải pháp 2,3,4 và giải pháp 5 được coi là giải pháp quan trọng nhất, có tính đột phá, bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước ở tỉnh Thái Bình trong thời gian tới. Việc áp dụng đồng bộ hệ thống các giải pháp sẽ mang lại tác động tích cực trong quản lý nhà nước với đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN ở tỉnh Thái Bình.