Luận án của nghiên cứu sinh Vũ Thị Hồng Phượng
- Tên đề luận án tiến sĩ: “Quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội đối với thị trường bán lẻ hàng hoá”
- Chuyên ngành: Quản lý kinh tế
- Mã số: 9310110
- Họ tên NCS: Vũ Thị Hồng Phượng
- Mã NCS: 14A D0410011
- Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS.TS. Hà Văn Sự
Hướng dẫn 2: TS Thân Danh Phúc
7. Những đóng góp mới của luận án
7.1. Những đóng góp mới về học thuật, lý luận
Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trong và ngoài nước, luận án đã phát triển một bước những lý luận cơ bản về quản lý nhà nước của địa phương cấp tỉnh đối với thị trường bán lẻ hàng hoá. Cụ thể: Thứ nhất, luận án đã hệ thống hóa và hoàn thiện những lý luận cơ sở liên quan đến thị trường bán lẻ hàng hoá và quản lý nhà nước của địa phương cấp tỉnh đối với thị trường bán lẻ hàng hoá. Trong đó, luận án đã tập trung làm rõ bản chất và nội hàm của thị trường bán lẻ hàng hoá; bản chất, mục tiêu, chủ thể và phân cấp cũng như sự cần thiết và vai trò của quản lý nhà nước của địa phương cấp tỉnh đối với thị trường bán lẻ hàng hoá; Thứ hai, xây dựng những nguyên lý cơ bản về quản lý nhà nước của địa phương cấp tỉnh đối với thị trường bán lẻ hàng hoá thông qua việc xác lập những nội dung và yêu cầu đặt ra cho quá trình quản lý; Thứ ba, đề xuất hệ thống các tiêu chí bám sát mục tiêu quản lý để đánh giá quản lý nhà nước của địa phương cấp tỉnh đối với thị trường bán lẻ hàng hoá; Thứ tư, hệ thống và bổ sung những nhân tố ảnh hưởng tới hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước của địa phương cấp tỉnh đối với thị trường bản lẻ hàng hóa. Ngoài ra, luận án cũng đã phân tích kinh nghiệm thực tiễn và rút ra bài học cho thành phố Hà Nội về quản lý nhà nước đối với thị trường bán lẻ hàng hóa từ kinh nghiệm của một số địa phương trong nước (kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) và nước ngoài (của Thủ đô Băng Cốc – Thái Lan, Thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc).
7.2. Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn
Trên cơ sở những khái quát về thị trường bán lẻ hàng hoá Hà Nội, luận án đã đi sâu phân tích, luận giải khá toàn diện và sâu sắc thực trạng quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội đối với thị trường bán lẻ hàng hóa thông qua hệ thống dữ liệu (cả dữ liệu sơ cấp, thứ cấp) phong phú, phù hợp, cập nhật và với những phương pháp nghiên cứu, phân tích phù hợp nhằm đáp ứng mục tiêu đề tài luận án đề ra. Cụ thể, luận án đã phân tích, luận giải thực trạng theo các tiêu chí và các nội dung quản lý (các nội dung: Quản lý cung thị trường, quản lý cầu thị trường, quản lý giá cả và quản lý cạnh tranh) gắn với những yêu cầu, các phương pháp và công cụ quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội đối với thị trường bán lẻ hàng hóa giai đoạn 2009-2020. Qua đó, luận án đã rút ra những thành công, hạn chế và những nguyên nhân của hạn chế về thực trạng quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội đối với thị trường bán lẻ hàng hóa thời gian vừa qua. Trong đó, những hạn chế được phát hiện qua nghiên cứu thực tiễn chủ yếu bao gồm: Thứ nhất, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn chủ thể bán lẻ thực hiện chính sách, pháp luật đã được chú trọng nhưng chưa thực sự hiệu quả; khả năng đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến với các doanh nghiệp còn hạn chế (chủ yếu mới chỉ tập trung vào cổ vũ, khuyến khích, động viên tham gia mà không chú trọng vào việc giáo dục pháp luật), làm giảm hiệu lực quản lý của thành phố Hà Nội đối với sự tuân thủ pháp luật của chủ thể bán lẻ; Thứ hai, mặc dù đã có sự quan tâm thích đáng và chủ động trong công tác kế hoạch hoá, xây dựng, tổ chức thực hiện các quy định, chính sách liên quan đến thị trường bán lẻ song cho đến nay thành phố Hà Nội vẫn chưa có chính sách cụ thể thực hiện mục tiêu phát triển lực lượng bán lẻ và hệ thống phân phối bán lẻ; quy hoạch liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ của thành phố Hà Nội còn thiếu thống nhất với quy hoạch vùng, gây ảnh hưởng lớn theo hướng tiêu cực đến cơ cấu thị trường bán lẻ theo địa bàn và việc đáp ứng kỳ vọng của người dân Thủ đô; Thứ ba, xét về tổng thể, thời gian qua thành phố Hà Nội đã có những nỗ lực nhất định trong việc tạo môi trường kinh doanh cho các chủ thể bán lẻ nhưng hiện nay vẫn thiếu những cơ chế, chính sách hợp lý và đủ mạnh trong việc phát triển thương mại tư nhân – một bộ phận hết sức năng động và đóng góp đáng kể trong lĩnh vực bán lẻ; Thứ tư, lãng phí “chốt chặn” ENT khiến áp lực cạnh tranh ngày càng tăng đối với chủ thể bán lẻ nội trên địa bàn thành phố; một số chính sách còn thể hiện rõ độ kém ưu đãi đối với chủ thể bán lẻ nội trong khi ưu đãi hơn đối với chủ thể bán lẻ ngoại gây ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh và doanh nghiệp bán lẻ nội phải chịu nhiều thua thiệt; Thứ năm, việc quản lý sự tuân thủ pháp luật của chủ thể bán lẻ còn nhiều hạn chế: Các cơ quan chức năng chưa phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, triệt để những trường hợp vi phạm luật pháp; để lọt nhiều vụ vi phạm với quy mô lớn và có tính nghiêm trọng, phức tạp, gây hậu quả lớn; hiệu lực xử lý vi phạm nguồn gốc và ATVSTP tại các chợ, kho hàng và hàng hoá đang trên đường vận chuyển còn hạn chế; tình hình vi phạm của các chủ thể bán tại các chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ chưa được kiểm soát tốt; còn lơi lỏng đối với chủ thể bán lẻ ngoại… ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh và quyền lợi của nhiều bên liên quan; Thứ sáu, thành phố Hà Nội triển khai chưa thực sự hiệu quả việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng; yêu cầu cá nhân, tổ chức tiêu dùng những hàng hóa khuyến dụng hoặc ngăn cấm sử dụng những hàng hóa phi khuyến dụng…; Thứ bảy, thành phố Hà nội cũng chưa thực sự triển khai hiệu quả việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dụng cũng như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của người tiêu dùng hay triển khai chưa hiệu quả việc hướng dẫn chủ thể bán lẻ thực hiện các quy định của pháp luật về cạnh tranh, phát hiện và kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền về những văn bản có nội dung không phù hợp với pháp luật cạnh tranh.
7.3. Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp
– Về giải pháp: Trên cơ sở những luận cứ khoa học về lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội đối với thị trường bán lẻ hàng hóa trong thời gian qua, cùng với những dự báo về xu hướng phát triển thị trường bán lẻ hàng hoá của Hà Nội, các quan điểm, mục tiêu và định hướng trong quản lý của thành phố Hà Nội đối với thị trường bán lẻ hàng hoá trong thời gian tới, luận án đã đề xuất bảy nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội đối với thị trường bán lẻ hàng hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể: Thứ nhất là nhóm giải pháp coi trọng vai trò của thị trường trong phát triển thị trường bán lẻ hàng hoá; Thứ hai là nhóm giải pháp về hoàn thiện khâu tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và ban hành, tổ chức thực thi các văn bản quản lý của thành phố; Thứ ba là nhóm giải pháp hoàn thiện cơ sở hạ tầng bán lẻ của thành phố; Thứ tư là nhóm giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh và hỗ trợ chủ thể bán lẻ; Thứ năm là nhóm giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của chủ thể bán lẻ; Thứ sáu là nhóm giải pháp tăng cường quản lý giá cả và cạnh tranh; Thứ bảy là nhóm giải pháp tăng cường công tác hướng dẫn tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
– Về kiến nghị: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp nói trên, luận án đã đề xuất một số kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và đối với các Hiệp hội liên quan.
– Về khuyến nghị: Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các giải pháp nói trên, nghiên cứu sinh cũng đã đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp bán lẻ và đối với người tiêu dùng.