Luận án của nghiên cứu sinh Vũ Tuấn Dương
- Tên đề tài luận án tiến sĩ: “Nghiên cứu sự hài lòng của sinh viên với giá trị và chất lượng dịch vụ của các trường đại học công lập khối kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam”.
- Chuyên ngành: Kinh doanh thương mại
- Họ tên NCS: Vũ Tuấn Dương
- Mã số: 9340121
- Họ tên người hướng dẫn NCS:
Hướng dẫn 1: PGS, TS. Nguyễn Hoàng Việt
Hướng dẫn 2: TS. Vũ Văn Hùng
- Những đóng góp mới của luận án
Trên cơ sở áp dụng và phát triển các kết quả nghiên cứu của Firdaus (2005); Gamage và cộng sự (2008); Jain và cộng sự (2013); Chen và cộng sự (2007); LeBlanc và Nguyen (1999), Sweeney và Soutar (2001) và Helgesen và Nesset (2007), nghiên cứu đã xây dựng thành công mô hình đo lường chất lượng dịch vụ, giá trị dịch vụ giáo dục đại học và sự hài lòng của sinh viên tại các trường đại học công lập khối kinh tế và kinh doanh. Cụ thể, chất lượng dịch vụ được xác định bao gồm 5 yếu tố chính bao gồm: (1) Yếu tố học thuật; (2) Yếu tố phi học thuật; (3) Yếu tố chương trình đào tạo; (4) Yếu tố cơ sở vật chất và (5) Yếu tố tương tác doanh nghiệp. Trong khi đó, giá trị dịch vụ được chỉ ra với 4 yếu tố cấu thành: (1) Giá trị chức năng; (2) Giá trị cảm xúc; (3) Giá trị xã hội; (4) Giá trị tri thức. Các kết quả xây dựng mô hình nghiên cứu trở thành tiền đề để tiếp tục phân tích thực trạng ảnh hưởng của chất lượng và giá trị dịch vụ đối với sự hài lòng của sinh viên.
Nghiên cứu này là một trong những nỗ lực đầu tiên trong việc đánh giá những tác động của giá trị và chất lượng dịch vụ đối với sự hài lòng của sinh viên tại các trường đại học công lập khối kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam. Nghiên cứu đã thành công trong việc xây dựng mô hình bao gồm các yếu tố cấu thành chất lượng và giá trị dịch vụ giáo dục đại học và các mối quan hệ giữa các yếu tố này cũng như tác động của chúng đến sự hài lòng của sinh viên. Một số đóng góp về lí thuyết đáng chú ý của nghiên cứu bao gồm:
Thứ nhất, kết quả nghiên cứu giúp củng cố thêm những quan điểm về vai trò của chất lượng dịch vụ, giá trị dịch vụ đối với sự hài lòng của khách hàng đã được khám phá bởi các nghiên cứu của Cronin và cộng sự (2000); Alves và Raposo (2007); Andreassen và Lindestad (1998). Khi xem xét trong bối cảnh nghiên cứu dịch vụ giáo dục đại học tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cũng có một số tương đồng với các nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Điệp (2000) và Hoàng Thị Phương Thảo và Hoàng Trọng (2006). Giá trị R2 hiệu chỉnh của phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM cũng cho thấy giá trị dịch vụ và chất lượng dịch vụ giải thích được đến 65% sự biến thiên của biến phụ thuộc là sự hài lòng của sinh viên.
Thứ hai, bằng những phương pháp phân tích dữ liệu sơ cấp từ 1226 sinh viên, nghiên cứu đã chỉ ra những sự liên hệ chi tiết giữa chất lượng dịch vụ và giá trị dịch vụ giáo dục đại học tại các trường công lập khối kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả cho thấy ngoại trừ mối liên hệ giữa chương trình đào tạo và giá trị cảm xúc thì các giả thuyết nghiên cứu về mối quan hệ giữa các yếu tố đều được chấp nhận. Các kết luận này làm vững chắc thêm cho các quan điểm của Brown và Mazzarol (2009) khi cho rằng, đối với dịch vụ giáo dục thì chất lượng dịch vụ sẽ có những tác động toàn diện đến giá trị dịch vụ. Tức là, chất lượng dịch vụ sẽ được cảm nhận trước dưới góc độ cảm nhận của sinh viên, từ đó sẽ hình thành những cảm nhận về giá trị mà loại hình dịch vụ đặc biệt này mang lại.
6.2. Về thực tiễn
Ngoài những đóng góp về mặt khoa học, luận án này với các phân tích định lượng chuyên sâu từ các nghiên cứu thực chứng cũng sẽ góp phần giúp các trường đại học công lập khối kinh tế và kinh doanh có được những góc nhìn tổng thể đối với thực trạng sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng và giá trị dịch vụ giáo dục đại học.
Thứ nhất, những kết quả nghiên cứu sẽ góp phần giúp cho các trường đại học (đặc biệt các trường đại học công lập khối kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam) hiểu rõ được các yếu tố cấu thành của chất lượng và giá trị dịch vụ giáo dục đại học dưới góc độ cảm nhận của sinh viên. Bên cạnh đó, thông qua các nghiên cứu thực chứng, mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ, giá trị dịch vụ và sự hài lòng của sinh viên cũng được làm rõ, các kết quả phân tích tác động của các yếu tố cấu thành chất lượng và giá trị dịch vụ đối với sự hài lòng của sinh viên giúp cho đội ngũ quản lí các trường đại học nhận định được đâu là yếu tố then chốt, ảnh hưởng quan trọng nhất đối với sự hài lòng của sinh viên, qua đó giúp đội ngũ quản lí các trường đại học đưa ra các giải pháp nâng cao sự hài lòng của sinh viên dựa trên chất lượng và giá trị dịch vụ. Với góc độ quản lí nhà nước, những kết quả đạt được của nghiên cứu hỗ trợ các nhà quản lí giáo dục đại học có những nhìn nhận đúng đắn về vai trò của chất lượng và giá trị dịch vụ đối với sự hài lòng của sinh viên cũng như sự phát triển của giáo dục đại học của Việt Nam. Từ đó có thể đưa ra một số điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ giáo dục đại học.
Thứ hai, các phân tích tác động của các yếu tố thuộc chất lượng dịch vụ và giá trị dịch vụ cho thấy một số điểm khác biệt đối với các nghiên cứu khác như: Yếu tố tương tác doanh nghiệp đang không có tác động đến sự hài lòng của sinh viên. Kết quả này có những khác biệt với các nghiên cứu của Hussien và cộng sự (2018); Jaradat (2017). Tuy nhiên kết quả này cũng có thể được giải thích bởi một số lí do: (1) Các nghiên cứu này tham khảo được tiến với một số ngành học tương đối đặc thù như khoa học máy tính và dịch vụ lưu trú nên vai trò của doanh nghiệp sẽ quan trọng hơn so với ngành kinh tế, quản trị kinh doanh bị đánh giá mang nặng lý thuyết tại Việt Nam. (2) Mặc dù các chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về nâng cao tương tác doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đào tạo đã được ban hành nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa thể triển khai hiệu quả ở quy mô lớn. Kết quả này phản ánh thực trạng và đề ra những yêu cầu nâng cao khả năng liên kết doanh nghiệp – nhà trường trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh. Ngoài ra, yếu tố chương trình đào tạo cho thấy tác động không đáng kể đối với sự hài lòng của sinh viên. Kết quả này tương đối khác biệt đối với các nghiên cứu của Morstain (1977), Wilkins và cộng sự (2013), trong những nghiên cứu này, vai trò của chương trình đào tạo đối với sự hài lòng của sinh viên là tương đối quan trọng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu tại Việt Nam đã chỉ ra chương trình đào tạo không phải yếu tố có ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên (Nguyễn Đỗ Như Loan, 2020; Nguyễn Ngọc Điệp, 2020). Như vậy, mối liên hệ giữa chương trình đào tạo và sự hài lòng của sinh viên tại các trường đại học tại Việt Nam đang có những khác biệt rõ rệt đối với các quốc gia khác. Khác với đa số cấc nghiên cứu về mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ, giá trị dịch vụ và sự hài lòng của sinh viên, nghiên cứu có tiến hành bổ sung các kiểm định về vai trò trung gian của các yếu tố cấu thành giá trị dịch vụ trong mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của sinh viên. Những kết quả của nghiên cứu đã xác nhận sự tồn tại vai trò trung gian của giá trị dịch vụ trong mối quan hệ này. Những khám phá này có thể giúp bổ sung vào các cơ sở lí thuyết giữa các khái niệm này trong bối cảnh nghiên cứu về dịch vụ giáo dục đại học.
Thứ ba, xem xét giá trị hệ số β từ kết quả phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM cũng đã chỉ ra giá trị dịch vụ đang có tác động đến sự hài lòng của sinh viên một cách rõ nét và không thua kém chất lượng dịch vụ. Nghiên cứu tương tự của Hoàng Thị Phương Thảo và Hoàng Trọng (2006) tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng có kết luận tương tự. Có thể thấy, chất lượng dịch vụ được cảm nhận trước và tính hiện hữu cao đối với hoạt động học tập của sinh viên nhưng giá trị dịch vụ bao gồm giá trị về tri thức, xã hội, chức năng, cảm xúc mới đóng vai trò quan trọng hơn trong việc dự báo sự hài lòng của sinh viên. Kết quả cũng ủng hộ quan điểm của Kotler và Amstrong (2010); Nguyễn Hoàng Việt và Nguyễn Bách Khoa (2014) khi cho rằng trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, giá trị sẽ là yếu tố quyết định đến sự thỏa mãn nhu cầu mong muốn của khách hàng và sự nghiệp phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp. Vậy nên, phát triển dịch vụ giáo dục đại học không chỉ chú trọng vào vấn đề chất lượng như phần lớn các nghiên cứu đã đề xuất mà còn bao gồm cả những chiến lược, giải pháp dành cho những giá trị mang lại cho người học.
Thứ tư, nghiên cứu đã tiến hành các kiểm định đa nhóm theo các tiêu chí về nhân khẩu học để làm rõ hơn những đánh giá của sinh viên đối với các yếu tố trong mô hình nghiên cứu. Ngoài tiêu thức phân chia theo giới tính không cho thấy sự khác biệt giữa các nhóm thì các tiêu thức phân chia còn lại đều có những kết quả rất đáng chú ý. Đối với phân chia mẫu theo năm học, các cảm nhận của sinh viên về cơ sở vật chất có xu hướng giảm dần, trong khi đó những yếu tố giá trị chức năng/thỏa mãn mong muốn, giá trị tri thức, giá trị xã hội thuộc giá trị dịch vụ lại được cảm nhận ở những mức cao hơn theo thời gian trong đánh giá của sinh viên. Đối với tiêu thức phân chia là mức độ yêu thích ngành học, kết quả cho thấy sự yêu thích với ngành học có sự liên quan đến những đánh giá của sinh viên đối với các yếu tố. Cụ thể, các sinh viên yêu thích ngành học có xu hướng đánh giá các yếu tố cao hơn (ngoại trừ yếu tố sự hài lòng và tương tác doanh nghiệp). Bên cạnh đó, những đánh giá về sự hài lòng không hẳn tuân theo các đánh giá về giá trị và chất lượng dịch vụ khi phân chia theo năm học. Kết quả này giúp gợi mở một số vấn đề cần bổ sung trong nghiên cứu, có thể bao gồm một số yếu tố khác vào mô hình nghiên cứu như giá trị cá nhân, nhận thức về xu hướng nghề nghiệp…Trong khi đó, khi phân chia theo đặc điểm trường đại học mà sinh viên đang theo học, nhóm sinh viên theo các trường đại học tự chủ đánh giá cao hơn nhóm sinh viên theo học theo học các trường đại học chưa tự chủ ở phần lớn các yếu tố (ngoại trừ chương trình đào tạo và tương tác doanh nghiệp). Cuối cùng, khi xem xét sự khác biệt dựa trên cảm nhận về học phí thì những sinh viên thuộc nhóm cảm nhận học phí cao lại đánh giá cao các yếu tố trong mô hình nghiên cứu có phần vượt trội so với hai nhóm còn lại. Tức là, với dịch vụ giáo dục đại học, cảm nhận về giá thấp không đồng nghĩa với sự hài lòng cao và không phải cứ giá thấp sẽ mang lại những ưu thế trong việc gia tăng cảm nhận cho người học.
6.3. Về giải pháp
Trên cơ sở những luận cứ lý luận và thực tiễn về sự hài lòng của sinh viên với giá trị và chất lượng dịch vụ giáo dục đại học tại các trường đại học công lập khối kinh tế và kinh doanh, các nhân tố cấu thánh giá trị và chất lượng dịch vụ có ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên tại một số trường đại học công lập khối kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam, cùng với những dự báo về xu hướng triển của giáo dục đại học Việt Nam và toàn cầu, luận án đã đề xuất một số giải pháp về pgias các trường đại học công lập khối kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam nâng cao sự hài lòng của sinh viên dựa trên giá trị và chất lượng dịch vụ. Các nhóm giải pháp quan trọng bao gồm:
(1) Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhấn mạnh đến các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua đào tạo nâng cao chuyên môn, phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, các trường đại học cần có các chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm tạo động lực cho giảng viên yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
(2) Nhóm giải pháp nâng cao cơ sở vật chất đào tạo nhấn mạnh đến các giải pháp hoàn thiện, mở rộng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Những đầu tư về cơ sở vật chất không chỉ chú trọng đến nhiệm vụ hỗ trợ công tác giảng dạy mà còn cần phục vụ các nhu cầu ngoại khóa của sinh viên như giải trí, thể thao…
(3) Nhóm giải pháp nâng cao chương trình đào tạo nhấn mạnh đến việc gia tăng sự linh hoạt của chương trinh đào tạo và hoàn thiện các nội dung của chương trình đào tạo để phù hợp hơn đối với nhu cầu của người học, doanh nghiệp và cả thị trường lao động.
(4) Nhóm giải pháp nâng cao mối quan hệ nhà trường – doanh nghiệp nhấn mạnh đến khả năng gia tăng tham gia của doanh nghiệp trong các hoạt động hỗ trợ đào tạo cũng như cách thức nâng cao hiệu quả trong việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại các giá trị cho người học.
(5) Nhóm giải pháp nâng cao cảm nhận giá trị dịch vụ cho người học đưa ra các đề xuất xây dựng hệ thống đánh giá giá trị mà dịch vụ giáo dục đại học mang lại cho sinh viên. Việc xây dựng hệ thống đo lường giá trị giúp các trường đại học công lập khối kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam xác định được tầm quan trọng của giá trị dịch vụ thay vì chỉ đang dành quan tâm nhiều cho chất lượng dịch vụ.Ngoài ra để bảo đảm tính khả thi, luận án đã đề xuất một số khuyến nghị đối với Nhà nước, Bộ, Ngành về các biện pháp, chính sách hỗ trợ các trường đại học công lập khối kinh tế và kinh doanh nâng cao chất lượng và giá trị dịch vụ, từ đó xây dựng nên các cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự hài lòng của sinh viên.